[Báo cáo] Tổng quan thị trường thương mại điện tử Việt Nam 2020
Tần suất mua sắm, thiết bị sử dụng, mức chi tiêu, kênh mua sắm, phương thức thanh toán,… của người dùng Việt trong năm 2020 có nhiều sự thay đổi rõ rệt.
Do ảnh hưởng của covid-19, 2020 là một năm đầy biến động và bị thiệt hại nặng nề về mọi mặt trong đời sống, đặc biệt là các hoạt động kinh tế – xã hội bị ngưng trệ. Tuy nhiên, vẫn có những ngành nghề, lĩnh vực không những không bị ảnh hưởng mà còn bứt phá mạnh mẽ và “bội thu” trong khoảng thời gian này. Và thương mại điện tử là 1 trong số đó.

Theo các số liệu thống kê từ Bộ Công Thương và Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho thấy, tốc độ tăng trưởng ngành này 2020 có thể đạt mức 30%, với tổng giá trị đạt hơn 15 tỷ USD. COVID-19 trở thành chất xúc tác đặc biệt làm thay đổi mạnh mẽ hành vi người tiêu dùng từ mua sắm trực tiếp – truyền thống sang mua sắm trực tuyến – online.
MỤC LỤC
Khách hàng tiềm năng
Hiện tại, mua sắm trực tuyến đang ngày càng thâm nhập 1 cách mạnh mẽ vào thói quen mua sắm của người tiêu dùng. Nhóm khách hàng tiềm năng khá rộng lớn với cả nam và nữ, ở mọi mức thu nhập và mọi nhóm tuổi. Nhóm mua sắm online nhiều nhất là những người trong độ tuổi từ 18 đến 39 và sở hữu mức thu nhập từ 7,5 đến 15 triệu đồng.

Tần suất mua sắm
Tần suất mua sắm trực tuyến tăng mạnh so với các năm trước đây. Người dùng trực tuyến tăng từ 47% của năm 2019 lên 61% của năm 2020.

Truy cập ứng dụng thông qua thiết bị di động để mua sắm là cách thức được nhiều khách hàng lựa chọn nhất lên đến 59%. Trong khi năm ngoái con số này chỉ ở mức 47%.

Mức chi tiêu và nhu cầu sản phẩm
Nhu cầu mua nhu yếu phẩm tăng cao
Do lệnh giãn cách xã hội, mọi người hạn chế ra ngoài và ở trong nhà nhiều hơn. Vì thế, nhu cầu mua sắm các mặt hàng cũng có sự thay đổi. Danh mục sản phẩm được mở rộng ra nhiều ngành hàng khác nhau như: thời trang (quần áo, giày dép,…), mỹ phẩm, thực phẩm,…

Trong đó, nhu cầu thực phẩm và đồ uống tăng mạnh nhất với 28%, cụ thể là các sản phẩm như: thức ăn khô (56%), sữa (55%), thực phẩm chế biến sẵn (48%),…

Mức chi tiêu thay đổi
Do sự thay đổi trong nhu cầu mua sắm mà mức chi tiêu của người dùng cũng vì thế có nhiều biến động. Tuy tần suất sử dụng cao, nhưng phân nửa người dùng chi tiêu dưới 500.000 đồng/ tháng. Chỉ có 21% số người tiêu dùng chi tiêu hơn 1 triệu đồng/ tháng.

Động lực mua sắm
Người tiêu dùng cho biết, việc mua sắm trực tuyến rất đa dạng sản phẩm (59%), giá rẻ, nhiều chương trình khuyến mãi, dễ dàng truy cập từ điện thoại (46%),… giúp họ có nhiều động lực sắm đồ online hơn.

Ngoài ra, việc mua sắm trực tuyến cũng được tin cậy và ưa chuộng nhờ người tiêu dùng được đọc các bình luận, đánh giá và so sánh giá sản phẩm với các cửa hàng online khác trước khi mua.

Phương thức thanh toán
Mua sắm trực tuyến thay đổi cả đến cách thức thanh toán khi mua hàng của nhiều người. Mặc dù tiền mặt vẫn được người dùng sử dụng nhiều nhất nhưng bộ phận người thanh toán qua thiết bị di động ngày càng tăng. So với 88% của 2019, tỷ lệ thanh toán tiền mặt khi nhận hàng (Ship Code) năm 2020 giảm xuống chỉ còn 75%. Trong khi đó, thanh toán qua thiết bị động tăng lên 9%.

Kênh mua sắm chủ đạo
Về kênh mua sắm, Shopee vẫn giữ vững “ngôi vương” về độ phổ biến với người dùng Việt. “Về đích” ở các vị trí tiếp theo là Lazada, Tiki, Facebook,…

Điều giúp Shopee có được vị trí top 1 này là do hãng luôn có những chương trình khuyến mãi rất hấp dẫn, sản phẩm đa dạng, dịch vụ chăm sóc khách hàng tốt, vận chuyển nhanh chóng và các thông tin trên site hữu ích với người dùng.

Bên cạnh đó, việc mua sắm trên mạng xã hội cũng dần được người dùng tin tưởng và lựa chọn hơn.

“COVID-19 là cú huých đáng kể với thương mại điện tử. Nhiều doanh nghiệp trước đây chưa từng bán trực tuyến nay đã bán trực tuyến, nhiều người chưa bao giờ mua hàng trực tuyến nay đã mua hàng trực tuyến. COVID-19, nhìn theo hướng tích cực là đã thúc đẩy chuyển đổi số. Thêm vào đó là Quyết định 645 của Chính phủ, với kế hoạch tổng thể phát triển Thương mại điện tử 2021-2025, với nhiều mục tiêu cụ thể. Tôi cho rằng với sự đồng lòng, mục tiêu của Chính phủ, doanh nghiệp, đây sẽ là cú huých phát triển thương mại điện tử của chúng ta”, ông Đặng Hoàng Hải – Cục trưởng Cục thương mại điện tử và kinh tế số, Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Có thể thấy, sự phát triển của thương mại điện tử không chỉ là xu hướng nhất thời mà còn là định hướng chung, bền vững trong thời đại mới – thời đại 4.0. Các chủ shop, doanh nghiệp cần thích nghi với làn sóng mới mẻ này để mở rộng kinh doanh hoặc tự đào thải chính mình khỏi thị trường.
Trên đây là toàn bộ báo cáo về thị trường thương mại điện tử Việt Nam trong năm 2020 được thực hiện bởi Q&Me – Đơn vị chuyên nghiên cứu thị trường tại Việt Nam. Mong rằng bài viết đã giúp bạn có cái nhìn tổng quan hơn về sự thay đổi của TMĐT thị trường Việt.
Đừng quên theo dõi blog của Shopbay để tiếp tục cập nhật thêm những bài viết hữu ích và thông tin khuyến mại mới nhất của chúng tôi bạn nhé!
Theo Q&Me